-
Tuyên truyền phòng chống bệnh nhiễm giun cho trẻ
03/04/2023Tuyên truyền tháng 4 BỆNH NHIỄM GIUN Các bệnh giun nằm trong số những bệnh lây truyền phổ biến nhất trên thế giới và ảnh hưởng lớn đến các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Bệnh lây truyền từ trứng giun có trong phân người thải ra ngoài làm đất bị nhiễm và bệnh thường xuất hiện tại những khu vực có tình trạng vệ sinh yếu kém, những loại giun ký sinh chủ yếu gây bệnh cho người tuyền qua đất hiện nay là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc/mỏ (Necator americanus/Ancylostoma duodenale). Phòng chống bệnh dựa trên tẩy giun định kỳ, truyền thông, giáo dục sức khỏe để phòng chống tái nhiễm, vệ sinh môi trường để giảm đất bị ô nhiễm với trứng nhiễm, sử dụng các loại thuốc an toàn và hiệu quả có sẵn để phòng chống bệnh. 1. Đường lây truyền: Các bệnh giun được truyền qua trứng giun từ phân của người bị nhiễm bệnh thải ra ngoài đất, giun trưởng thành sống trong ruộtvà từ đây hàng ngàn trứng được sinh ra mỗi ngày. Trứng giun sau khi thải ra đất theo phân làm cho đất bị nhiễm, đặc biệt tại các nơi thiếu vệ sinh. Sự nhiễm bệnh có thể xảy ra với một số cách như trứng theo vào đường tiêu hóa từ các loại rau ăn sống hoặc các loại rau không được nấu chín kỹ, rửa sạch, bóc vỏ; từ các nguồn nước bị nhiễm trứng giun; trẻ em nghịch đất cát nhiễm trứng giun, sau đó đưa tay vào miệng.Ngoài ra, trứng giun móc nở trong đất, phát triển thành ấu trùng có thể chủ động xâm nhập vào da, những người bị nhiễm giun móc thường do thói quen đi không mang dày dép trên đất bị ô nhiễm.Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người hoặc nhiễm từ phân tươi vì trứng giun được thải ra ngoài theo phân cần khoảng 3 tuần để phát triển thành trứng có ấu trùng mới có thể gây nhiễm, một khi giun trưởng thành không sinh sản được trong vật chủ (con người), trường hợp tái nhiễm chỉ xảy ra khi người tiếp xúc với giai đoạn có thể lây truyền của ký sinh trùng ngoài môi trường. 2. Tỷ lệ mắc bệnh và triệu chứng: Tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh liên quan mật thiết đến số lượng giun ký sinh trong cơ thể vật chủ, những người bị nhiễm nhẹ thường không có triệu chứng, nhiễm nặng hơn có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm các bệnh lý ở đường ruột (tiêu chảy và đau bụng), gây cảm giác khó chịu, cơ thể mệt mỏi trong khi tinh thần và thể chất bị sa sút. Người nhiễm giun móc gây mất máu mạn tính ở ruột và có thể dẫn đến thiếu máu. Ảnh hưởng đến dinh dưỡng: Bệnh giun truyền qua đất làm giảm tình trạng dinh dưỡng của người theo nhiều phương thức khác nhau như giun ký sinh lấy các chất dinh dưỡng từ các mô của cơ thể vật chủ, bao gồm máu, dẫn đến sự thiếu máu và protein. Giun ký sinh làm tăng thêm sự kém hấp thụ dinh dưỡng, ngoài ra có thể có thể cạnh tranh vitamin A ở ruột. Các bệnh giun truyền qua đất cũng gây ra mất cảm giác ngon miệng, do đó giảm lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất, đặc biệt nhiễm giun tóc có thể gây tiêu chảy và bệnh lỵ. Suy dinh dưỡng do các bệnh giun truyền qua đất gây ra được công nhận là có một tác động đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất. 3. Thuốc thường dùng để tẩy giun cho trẻ: Albendazole 400mg và mebendazole 500mg được WHO chọn dùng trong chương trình tẩy giun trên toàn cầu là hai dược phẩm hiệu quả, an toàn, giá thành rẻ, dễ sử dụng và quản lý khi tiến hành chiến dịch tẩy giun ngay cả khi đó không phải là nhân viên y tế. Tuy nhiên những người này phải được tập huấn trước đó, hiện cả hai loại thuốc tẩy giun này WHO cung cấp miễn phí đến các quốc gia có lưu hành các bệnh giun truyền qua đất để điều trị cho tất cả trẻ em mầm non và tiểu học. Nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/ 1 lần cho trẻ mầm non. -
Thống kê tình hình sức khỏe tháng 3
22/03/2023 -
Tuyên truyền chăm sóc răng miệng trẻ mầm non
07/02/2023Đánh răng là cách tốt nhất để giữ gìn vệ sinh răng miệng và chống sâu răng cho trẻ. Khi trẻ 2 - 5 tuổi là lúc nên tập cho trẻ thói quen đánh răng. - Kích thích sự tò mò của trẻ: Trẻ con có tính tò mò rất cao, vì thế những công việc hàng ngày của cha mẹ sẽ làm trẻ chú ý. Việc đánh răng của người lớn diễn ra thường xuyên giúp trẻ hiểu rằng, đó là công việc mà mỗi người phải làm hàng ngày. Sau khi tính tò mò của trẻ được kích thích, chúng sẽ coi việc đánh răng như trò chơi của ngưòi lớn và nếu được hỏi: có thích đánh răng không, trẻ sẽ vui vẻ nhận lời vì muốn làm thử. - Chọn đúng bàn chải và kem đánh răng: Việc lựa chọn bàn chải và kem đánh răng cũng ảnh hưởng rất lớn đến ý muốn đánh răng của trẻ. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến các cửa hàng để tự chọn loại bàn chải và kem đánh răng mà trẻ thích. Những điều này sẽ kích thích trẻ trong việc đánh răng. Dạy trẻ đánh răng đúng cách - Trước hết, bạn hãy chọn cho trẻ một chiếc bàn chải nhỏ, có lông mềm, đảm bảo vừa với miệng trẻ. - Dùng lượng kem đánh răng vừa phải, lượng nhỏ bằng hạt đậu là tốt nhất, vì nó không tạo quá nhiều bọt, gây trở ngại cho việc đánh răng của trẻ. - Hướng dẫn trẻ chỉ dùng lực vừa phải, không chà răng quá mạnh. Tuyệt đối không được chà răng theo chiều ngang, vì sẽ dẫn đến nguy cơ làm tụt nướu. Chà răng theo chiều dọc, từ trên xuống dưới cho hàm trên và từ dưới lên trên cho hàm dưới và chỉ chà ngang đối với mặt nhai. - Lần đầu tiên trẻ đánh răng bạn nên đứng sau hoặc bên cạnh, tay bạn vòng ra đằng sau gáy của con mình, rồi đứng như thế cầm bàn chải đánh răng cho bé. - Bạn nhất định phải dạy bé cách súc miệng, súc nước cho kêu sùng sục trong miệng trẻ và nhổ đi. Nếu trẻ nuốt quá nhiều kem đánh răng sẽ gây ra bệnh thừa chất florua, điều này khiến những đốm trắng xuất hiện trên răng của con bạn. Chải răng như thế nào? - Một lần chải răng đúng cách mất ít nhất 2 phút – chính xác là 120 giây ! Hầu hết người lớn thường không chải răng đủ thời gian. Để biết được thời gian chải, hãy dùng một cái đồng hồ để đếm thời gian. Để chải răng đúng, hãy dùng những động tác ngắn, nhẹ nhàng, chú ý đến đường viền nướu, chải sạch những răng trong cùng, và những vùng xung quanh phần trám, thân răng và vùng phục hồi khác. Tập trung làm sạch những vùng sau: • Chải sạch mặt ngoài của răng trên trước, sau đó là răng dưới • Chải sạch mặt trong của răng trên trước, sau đó là răng dưới • Chải sạch mặt nhai • Để có hơi thở thơm tho, cũng nhớ chải cả lưỡi của bạn nữa. • Bạn nên thay bàn chải mỗi 3 tháng./. -
Tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ
06/01/2023PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ Tai nạn thương tích (TNTT) thường bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được và gây ra những thương tổn trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi mầm non. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Nhằm hạn chế nguy cơ trẻ bị TNTT chúng ta cùng tìm hiểu về TNTT và các biện pháp phòng tránh và sơ cấp cứu kịp thời qua một số trường hợp sau: 1. Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ: - Trẻ em không để trẻ đi xe đạp hàng ba. Không đùa nghịch đu bám tàu xe. - Phụ huynh không điều khiển xe sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn. - Mọi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. - Trẻ nhỏ khi qua đường cần có người lớn đi kèm. - Phải làm hàng rào, cổng, cửa chắn nếu nhà gần đường giao thông đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. • Cách sơ cấp cứu: - Khi trẻ bị tai nạn giao thông cần nhanh chóng cầm máu vết thương. - Nếu bị chấn thương ở đầu hay nghi ngờ ở gãy xương cần cố định và bất động nạn nhân, gọi người có chuyên môn y tế giúp đỡ sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. 2. Phòng tránh ngã cho trẻ em: Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, leo trèo nên rất dễ bị ngã. Ngã là tai nạn thương tích dễ gặp và dễ gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. - Thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi. - Dạy trẻ không được leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang... - Võng mắc cho trẻ phải thấp và có dây buộc 2 mép võng khi trẻ ngủ trong võng. Không cho trẻ nhỏ đùa nghịch, đu võng…. - Đảm bảo các bậc thềm, bậc cầu thang không trơn trượt, không quá dốc, quá hẹp. - Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân khô ráo không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm. • Cách sơ cấp cứu: - Quan sát, tìm hiểu nguyên nhân gây cho trẻ ngã để có cách xử lý thích hợp. - Nếu chấn thương nhẹ như bầm, tím, xây sát da thì phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại. - Nếu chấn thương nặng như gãy xương, chảy máu thì phải cố định xương và cầm máu bằng cách băng ép sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. 3. Phòng tránh bỏng cho trẻ em: Bỏng rất nguy hiểm, nếu bỏng nặng có thể để lại di chứng như sẹo, co rút cơ, gây tàn phế suốt đời hoặc gây chết người. Trẻ em, đặc biệt từ 2 - 6 tuổi dễ bị bỏng vì tính trẻ hiếu động, tò mò và do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ. - Hãy để xa tầm tay của trẻ các vật nóng, nguy hiểm - Phải làm cử chắn quanh khu vực nấu ăn. - Phải để xa tầm tay trẻ đối với thức ăn, đồ uống, mới nấu như nồi cơm, nước sôi, phích nước nóng, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn… - Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. - Hướng dẫn trẻ không nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, bật lửa, xăng dầu. Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, ngâm vùng cơ thể bị bỏng hoặc dưới vòi nước mát trong vòng 20- 30 phút, sau đó chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. 4. Phòng tránh các vật sắc nhọn cắt, đâm: * Trẻ nhỏ rất tò mò, thích tiếp xúc với mọi vật nên có nguy cơ cao bị các vật sắc nhọn cắt, đâm vào người. - Để các vật sắc nhọn lên cao hoặc có giá treo ngoài tầm với của trẻ. - Không cho trẻ chơi với các vật dụng sắc nhọn trong gia đình hoặc chơi ở nơi có nhiều vật dụng sắc nhọn xung quanh như mãnh kính vỡ, đá nhọn… • Cách sơ cấp cứu: Nhanh chóng rửa sạch, sát trùng và cầm máu vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Mỗi thầy cô giáo và cha mẹ HS cần hướng dẫn cho trẻ các kĩ năng tham gia vui chơi an toàn, biết cách phòng tránh những tai nạn thương tích khi tham gia các hoạt động hàng ngày. Bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm của người lớn dành cho trẻ em. Mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chăm lo, bảo vệ trẻ em, góp phần phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. NV Y TẾ Võ Thị Mỹ Tiên